Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Giới Thiệu Thị Xã Buôn Hồ


Thị xã Buôn Hồ được thành lập vào ngày 23/12/2008 theo Nghị định số 07/NĐ-CP của Chính phủ là đô thị trung tâm có vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỷ thuật của khu vực phía Bắc của tỉnh ĐắkLắk, có vị trí an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng nằm ở phía Đông Bắc của thành phố Buôn Ma Thuột, cách trung tâm tỉnh lỵ 40 km về phía Đông Bắc, chạy dọc theo Quốc lộ 14, Đông giáp huyện Krông Năng, EaKar; Tây giáp huyện Cư M’Gar; Nam giáp huyện Krông Pắc; Bắc giáp huyện Krông Búk. Bên cạnh đó thị xã Buôn Hồ còn có các tuyến quốc lộ huyết mạch nối liền các tỉnh Gia Lai, Kon Tum với Thành phố Buôn Ma Thuột; Hệ thống giao thông thuận lợi, đường ô tô đến hầu hết các trung tâm đông dân cư theo tuyến Quốc lộ 14, quốc lộ 26 và các tuyến đường liên xã, liên phường, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại.

Thị xã Buôn Hồ có 28.205,89 ha diện tích tự nhiên và 101.554 nhân khẩu, có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các phường: Đạt Hiếu, An Lạc, An Bình, Thiện An, Đoàn Kết, Thống Nhất, Bình Tân và các xã: Ea Siên, Ea Drông, Ea Blang, Bình Thuận, Cư Bao; Trên địa bàn thị xã có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống như Ê Đê, GiaRai, Kinh, Tày…đã tạo nên một nền văn hóa phong tục đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc
                        
Thị xã nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc trưng cho vùng Cao nguyên Nam Trung Bộ, mỗi năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 năm trước đến tháng 10 năm sau, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.700mm, nhiệt độ trung bình là 23,40 C rất thuận lợi cho các loại cây công nghiệp như cà phê, cào su, ca cao, tiêu.. và cây lương thực như Ngô lai, đậu tương và cây ăn trái khác.

Hiện nay, Buôn Hồ đã là "tâm điểm" của vùng chuyên canh cây cà-phê nổi tiếng, được trải rộng ra các huyện lân cận, bao gồm huyện Cư M'gar, Krông Năng, Ea H'Leo với diện tích gần 100.000 ha. Ðồng thời, đây cũng là vùng có hệ sinh thái phong phú và đa dạng với các khu rừng đặc dụng, phòng hộ tiêu biểu như: đèo Hà Lan, rừng thông Buôn Tring... nên rất có tiềm năng trong việc phát triển du lịch sinh thái, gắn với văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Ở đó Buôn Hồ được coi như một "địa chỉ đỏ" có sức lan tỏa, ảnh hưởng rộng khắp toàn vùng. Với những đặc trưng đó, Buôn Hồ được xác định là đô thị kinh tế-sinh thái-văn hóa cấp vùng của tỉnh.

Khai thác thế mạnh của thiên nhiên, điều kiện văn hóa, xã hội để phát triển du lịch văn hóa -sinh thái, hướng dẫn người dân trong việc tạo việc làm, tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch, cải thiện đời sống cho đồng bào nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững an ninh quốc phòng, là vấn đề đang được cấp ủy, chính quyền của tỉnh Đăk Lăk và thị xã Buôn Hồ quan tâm thực hiện, góp phần phát triển một cách toàn diện hoạt động kinh tế của thị xã

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN:
1. Tài nguyên đất đai:


Đất nâu đỏ trên đá bazan chiếm tỷ lệ khá lớn, thuận lợi cho cho phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây công nghiệp. Ngoài ra có các loại đất khác như đất đen trên sản phẩm bồi tụ của đá bazan, đất dốc tụ, đỏ vàng, đất xám,....
   
2.Tài nguyên rừng:

Diện tích rừng của thị xã Buôn Hồ khá ít, chỉ có ở phía Bắc xã Ea Đrông và phía Nam xã Cư Bao.

Tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ và chuyển đổi sang đất trồng cây công nghiệp đã làm suy giảm diện tích rừng, đất dễ bị xói mòn, rửa trôi, khả năng giữ nước giảm, tình hình thiên tai lũ lụt, hạn hán càng trở nên nghiêm trọng. Hiện nay thị xã đang rà soát khu vực dọc suối Krông Búk thuộc phạm vi xã Ea Blang, phường Thiện An, An Lạc để có phương án trồng rừng, tăng độ che phủ, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
                       
3.Tài nguyên nước:

- Nước mặt:

Thị xã Buôn Hồ có nhiều suối và hợp thủy tương đối đều giữa các khu vực, dòng chảy phân bố không đều. Nguồn nước phân thành hai mùa: mùa mưa từ tháng 8 -11, mùa cạn từ tháng 12 đến tháng 7 năm sau. Lượng dòng chảy mùa cạn chỉ chiếm 20-25% tổng lượng dòng chảy cả năm, nên khai thác phục vụ sản xuất rất hạn chế.

Các suối chính gồm: suối Krông Búk bắt nguồn từ độ cao 700-800m chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, lòng suối rộng khoảng 10m, hiện nay đã xây dựng đập thủy lợi Buôn Trinh tưới 150 ha cà phê. Ngoài ra có các suối nhỏ, ngắn, lưu lượng thấp, khai thác phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.

Chia thành 2 vùng có khả năng cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất như sau:

+ Vùng có nguồn nước tương đối thuận lợi: gồm khu vựcdọc theo suối Krông Búk, chênh lệch độ cao giữa mặt suối và vùng canh tác lớn nên để khai thác được nguồn nước phải đầu tư vốn tương đối cao.

+ Vùng có nguồn nước tương đối khó khăn: dọc theo ranh giới huyện Krông Năng, Cư M’Gar, nằm ở đầu nguồn nước, các suối nhỏ.

+ Vùng có nguồn nuớc đặc biệt khó khăn: chạy dọc theo quốc lộ 14.

- Nước ngầm:

Độ dày tầng chứa nước biến động từ 60-160m, trung bình 100m và giảm dần từ Bắc xuống Nam.

Mực nước ngầm tương đối phong phú, có thể khai thác phục vụ sản xuất nông, công nghiệp và dân sinh, bổ sung cho nguồn nước mặt ở những vủng khó khăn. Thời gian gần đây, quan trắc nước ngầm vùng Nam Tây Nguyên cho thấy do canh tác nông nghiệp, khai thác lâm sản nên mực nước ngầm và chất lượng nước đã thay đổi. Ở TX. Buôn Hồ mực nước ngầm thấp hơn giai đoạn 1980 khoảng 3 – 5m, trong nước có Nitric và Nitrat hàm lượng thấp do bón phân vô cơ cho cây thấm xuống đất, hiện nay chưa ảnh hưởng đến việc sử dụng nước ngầm. Nếu không bảo vệ môi trường, xử lý chất thải thì nước ngầm sẽ bị ô nhiễm.

4.Tài nguyên khoáng sản: Nguồn tài nguyên khoáng sản không nhiều, chưa được điều tra kỹ. Hiện nay chủ yếu là đá Bazan đang khai thác phục vụ xây dựng, giao thông, thủy lợi, xây dựng dân dụng.

5.Tài nguyên du lịch: Thị xã có nhiều tiềm năng phát triển du lịch như khai thác cảnh quan dọc sông Krông Búk, thác suối Krông Búk ở xã Ea Blang, hồ Ba Diễn, cảnh quan vườn cây công nghiệp thuận lợi phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải
trí.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét